Thứ Bảy, 5 tháng 1, 2013

Bình Phước: Day dứt với thân chủ câm điếc vẽ xe tăng bắn vào trái tim người yêu

Vẽ chân dung cô người yêu rồi đem những bức vẽ ấy tặng người yêu nhưng N.H.S bị từ chối một cách phũ phàng.

Từ khi hành nghề luật sư đến nay, tôi đã bào chữa có đến vài chục vụ chỉ định cho người chưa thành niên phạm tội. Mỗi một trường hợp là một hoàn cảnh rất đáng thương. Hầu hết các em phạm tội chỉ vì thiếu sự quan tâm, chăm sóc của gia đình, có em vì cha mẹ ly hôn...
Trong số hàng chục em chưa thành niên mà tôi bào chữa chỉ định, có một trường hợp làm tôi ray rứt mãi. Đó là em N.H.S bị Cơ quan CSĐT một huyện biên giới của tỉnh Bình Phước khởi tố về tội cố ý làm hư hỏng tài sản.
Em vừa là người chưa thành niên, vừa bị câm điếc bẩm sinh. Đối với trường hợp này, khi hỏi cung thì ngoài luật sư còn phải có mặt của người phiên dịch.
Ở phía Nam này, rất ít người có đủ khả năng phiên dịch cho người câm điếc, vì vậy cơ quan CSĐT phải xếp lịch mời một giáo viên ở một trường câm điếc Thuận An, Bình Dương. Khi đặt được lịch làm việc, không riêng gì cơ quan CSĐT mà cả luật sư chúng tôi cũng nhẹ đi một nửa, vì ít ra tại buổi hỏi cung ấy, tôi cũng có thể “nói chuyện” được với N.H.S.
Day dứt với thân chủ câm điếc vẽ xe tăng bắn vào trái tim người yêu
 
Do đi xa (gần 200km) nên từ 3 giờ sáng tôi cùng người phiên dịch phải khởi hành, trực chỉ huyện biên giới kia mà đi. Vậy mà đến hơn 8 giờ sáng mới đến nơi.
Thú thật, mặc dù trên đường đi, tôi đã trò chuyện khá nhiều với người phiên dịch về tâm sinh lý, cách ứng xử khi tiếp xúc người câm điếc, nhưng khi tiếp xúc với “người thật, việc thật” vẫn không khỏi bất ngờ.
Bởi lẽ, với người câm điếc bẩm sinh thì không thể giải thích sự việc bằng pháp luật vì họ không hiểu và cũng không thể chuyển tải, diễn đạt ngôn ngữ pháp luật để họ hiểu dễ dàng được.
Sau một lúc loay hoay, người phiên dịch thông báo cho biết là chỉ còn cách là “nói chuyện theo kiểu của họ” thì mới có thể tiến hành hỏi cung được, nếu không thì “bó tay”.
Quả thật, sau khi người phiên dịch nói chuyện theo kiểu của họ (không biết nói gì) thì N.H.S chấp nhận trả lời các câu hỏi của điều tra viên. Buổi hỏi cung chỉ chừng 4 trang giấy A4 (bao gồm cả phần lý lịch bị can), nhưng mất hơn 5 giờ đồng hồ. Xong buổi hỏi cung ai cũng mệt nhừ, đầu  cứ ong ong, mắt thì nổ đom đóm vì cứ phải chăm chú theo dõi từng động tác “nói chuyện bằng tay” giữa phiên dịch và bị can.
Trong buổi hỏi cung, có nhiều điều xúc động, nhưng có lẽ điều làm tôi xúc động nhất đó là tình cảm của N.H.S dành cho người yêu cũng là người bị hại trong vụ án và năng khiếu hội họa của em.
Vụ án bắt đầu khi N.H.S yêu cô bé hàng xóm. Tình yêu trẻ con rất hồn nhiên cho đến một ngày người con gái của N.H.S quen với một người khác vì người này đẹp trai hơn và dễ giao tiếp hơn. Bị “bồ đá”, N.H.S ôm mối thất tình trong lòng, về nhà vẽ chân dung cô người yêu.
Càng vẽ, hình ảnh cô người yêu lại càng đẹp hơn trong lòng N.H.S. Đem những bức vẽ ấy tặng người yêu thì bị từ chối một cách phũ phàng. Thế là N.H.S ôm hận trong lòng, về nhà vẽ chân dung người yêu và đặt trên vạc dầu, kế bên là hình ảnh ông Diêm Vương lấy kiếm cắt đầu người yêu và chú thích là bị cho vào vạc dầu, bị cắt đầu vì phản bội.
Chưa hết, N.H.S còn vẽ một bức tranh chiếc xe tăng với súng ống to đùng bắn vào trái tim người yêu. Hỏi N.H.S tại sao vẽ những bức tranh này thì được trả lời là vẽ cho đỡ tức.
Sau rất nhiều ngày dồn nén và cuối cùng vì không kiềm chế được khi thấy người yêu đi chơi với người khác, N.H.S đã dùng gậy xông vào phòng ngủ của người yêu đập nát máy vi tính và bàn trang điểm, ngoài ra không đập phá bất kỳ đồ vật gì khác.
Lý do được N.H.S lý giải là đập máy tính để ‘em” không chát chít, đập bàn trang điểm là để không còn mà soi gương, làm đẹp để đi với “thằng kia”.
Gia đình khuyên em rất nhiều hãy quên người con gái kia đi, nhưng em nhất quyết không chịu. Thậm chí cha em hứa sẽ tìm một người con gái đẹp nhất nhì ở địa phương để em làm bạn, nhưng em trả lời rằng:  Trong mắt em, người con gái kia là số một và nhất quyết chỉ yêu người đó mà thôi, dù có chết cũng chỉ yêu một mình người con gái đó.
Dù là người chưa thành niên và có nhược điểm về thể chất, nhưng N.H.S vẫn phải đối diện với pháp luật, với bản án trong thời gian tới. Có thể mức án sẽ không nặng, nhưng vết thương trong lòng em vẫn sẽ tiếp tục rỉ máu.
Sau những ngày thụ án là gì? Đó là một khoảng trống mênh mông, bởi lẽ cha mẹ em ly hôn, mỗi người một nơi. Em ở với cha, nhưng ông suốt ngày lo đi làm, em thui thủi một mình, cô độc, không ai tâm sự, sẻ chia.
Nếu tiếp tục với tình cảnh như thế này, cô bạn gái kia lại“trêu ngươi” thì không loại trừ khả năng chuyện xấu sẽ tiếp tục đến với em. Đó là điều mà tôi hết sức ray rứt.
Giá mà em được sinh ra trong một gia đình có đầy đủ bố, mẹ, được chăm sóc, giáo dục chu đáo, biết đâu năng khiếu hội họa của em sẽ có điều kiện để phát triển, vươn xa hơn là dùng nó để “vẽ chân dung người yêu cho đỡ tức”. Con người ta có ai được quyền ‘chọn cửa để sinh ra đâu” nhưng tôi vẫn hy vọng và luôn hy vọng một ngày nào đó, cơ duyên sẽ đến với N.H.S và em có “đất” để phát huy khả năng hội họa của mình.
Theo Luật sư Nguyễn Văn Đức (Đoàn Luật sư tỉnh Bình Phước)

Ý kiến bạn đọc [ 0 ]


Ý kiến của bạn

Đầu Trang